Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long gần 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, sẽ được chặt hạ, đánh chuyển bắt đầu từ hôm nay 18/10. Việc di dời, chặt hạ cây xanh dự kiến sẽ diễn ra trong 2 đến 3 tháng.
Chậm tiến độ vì hàng cây xanh
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 16, 17/10, tại dự án mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, nhiều máy móc để không ngừng hoạt động, công trường cũng chỉ có vài công nhân.
Một số điểm sau hàng rào, mặt đường đã thảm xong thế nhưng phần còn lại vẫn… chờ do hàng cây xanh giữa đường chưa được di dời.
Ngay cả gói thầu số 2 (dự án đường trên cao Vành đai 3 nối dài), dự kiến triển khai vào tháng 11/2017 gần như chắc chắn cũng chậm tiến độ.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, do cầu cạn có hướng đi về phía hàng cây xanh, thế nên chậm di dời hàng cây xanh ngày nào thì việc khởi công sẽ chậm ngày ấy.
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, trong số hơn 1.300 cây xanh nằm trong diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa ở đường Phạm Văn Đồng có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng…
Hôm nay (18/10), đơn vị thi công sẽ tiến hành chặt hạ, đánh chuyển một số cây xà cừ để phục vụ dự án. Theo kế hoạch, đợt đầu tiên, đơn vị sẽ tiến hành chặt hạ, di chuyển 14 cây, sau đó việc xử lý hàng cây sẽ được thực hiện đồng loạt tại nhiều điểm.
Trên cơ sở kết quả của đợt đầu, đơn vị sẽ dự tính chính xác tiến độ thi công, kinh phí. Đơn vị này cũng cho biết, hiện kinh phí di chuyển, chặt hạ cây xanh vẫn chưa được phê duyệt kinh phí.
Chặt bỏ hay đánh chuyển?
Trước việc chặt bỏ hay đánh chuyển hàng cây xà cừ, dư luận vẫn còn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng: Hàng cây xà cừ có tuổi thọ hàng chục năm, nếu đem cắt bỏ thì quá lãng phí.
Hơn nữa, hàng cây đã như một nhân chứng sống, thân quen với người dân hàng chục năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cây xà cừ không có trong quy hoạch cây xanh trồng mới, thành phố không có kế hoạch tái sử dụng, chúng ta nên cân nhắc phương án chặt hạ cây xà cừ nằm trong dự án giao thông để tiết kiệm ngân sách.
Chi phí cho việc chặt hạ hoàn toàn có thể bù đắp bằng phương thức xã hội hóa thông qua đấu thầu công khai, lựa chọn doanh nghiệp có nhu cầu gỗ nguyên liệu tham gia GPMB.
Cùng với đó, chúng ta vẫn lập phương án chăm sóc để bảo tồn những cây cổ thụ còn lại trên địa bàn.
Ông Nguyễn Lân Hùng - Chuyên gia lâm nghiệp cũng nêu quan điểm: Nên chặt bỏ hàng xà cừ, bởi theo tính toán để có được hàng cây như trên chỉ mất 5 – 7 năm.
Trong khi các cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng rễ đã ăn ra nửa lòng đường rồi, nếu thay bằng các cây đô thị mới như giáng hương thì sẽ đẹp hơn.
Trước đó, khi PV Tiền Phong trao đổi với Cty BeePro (đơn vị chuyên đánh chuyển, ươm cây xà cừ) thì lãnh đạo đơn vị này cho hay, chi phí đánh chuyển, chăm sóc không thể nói là bao nhiêu bởi quy trình chăm sóc mỗi cây một khác.
Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định chi phí tốn kém, bởi quy trình ươm cây đòi hỏi nghiêm ngặt, cùng các loại thuốc kích thích cho cây…
Được biết, giá một cây xà cừ có đường kính 1,2m là 35 triệu đồng; nếu đánh chuyển và chăm sóc thì chi phí lớn hơn tùy theo đường kính thân cây, có thể đến 50-60 triệu đồng mỗi cây.
Trong khi đó, chi phí trung bình trồng một cây đô thị như: phượng, muồng… chỉ khoảng 3 - 5 triệu đồng.
Theo kế hoạch, việc chặt hạ, đánh chuyển cây xanh sẽ được triển khai liên tục từ ngày 18/10, và kéo dài từ 2 đến 3 tháng.
No comments:
Post a Comment